Myan Architects

NHÀ CHỊ THƯƠNG

Nhà chị Thương là sự pha trộn giữa vẻ đẹp sang trọng của phong cách Tân Cổ Điển và nét mộc mạc, giản đơn của triết lý wabi sabi. Hai phong cách tưởng như không liên quan nhưng được KTS phối hợp hài hòa tạo nên một không gian đủ yên bình để gia chủ tận hưởng, đủ công năng để đáp ứng nhu cầu và đủ thẩm mỹ để trở thành một công trình “hợp mắt” gia chủ.

Đảm bảo công năng không tách rời ưu tiên cảm nhận

Nằm giữa thành phố Đà Lạt mộng mơ, ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi bầu không khí vô cùng dễ chịu. KTS cần thiết kế công trình để đảm bảo công năng nhưng vẫn tận dụng được sự nhẹ nhàng vốn có của thời tiết và khí hậu, mang đến cho gia chủ những cảm nhận thoải mái, bình yên.

Không gian phân tách rạch ròi nhưng vẫn đảm bảo sự thông thoáng, liền mạch. Tầng 1 là phòng khách nối liền phòng bếp, thiết kế kiểu mở. Phòng khách có bếp lò tạo hơi ấm khi trời về đêm. Cầu thang dẫn lên khu phòng ngủ ở tầng 2 – không gian riêng tư và yên tĩnh.

Cổ điển giao hòa với truyền thống và hiện đại

Đà Lạt từng là nơi nghỉ dưỡng của người Pháp, chịu ảnh hưởng khá lớn bởi lối kiến trúc Pháp. Mảnh đất này cũng là một phần của Tây Nguyên – nơi có văn hóa được lưu giữ lâu đời. Nằm trên vùng đất đặc biệt này, “Nhà chị Thương” được thiết kế theo lối dung hòa giữa kiến trúc cổ điển phương Tây và truyền thống phương Đông.

Nội thất trong không gian được bố trí tinh gọn, tạo nhiều khoảng thở. Các cửa kính rộng đón ánh sáng tự nhiên kết hợp với thiết kế vòm rộng mang sinh khí len lỏi vào từng ngách nhỏ trong nhà.

Chất liệu gỗ, gạch được đưa vào cùng xi măng, sắt thép. Mái nhà với độ dốc cao vừa chống thấm trong những ngày mưa dài, vừa gợi nhớ hình ảnh nhà Rông. Bề mặt vật liệu vừa nhẵn nhụi tối giản, vừa tạo điểm nhấn với một vài hoa văn cổ điển sang trọng. Trong khi lò sưởi trong nhà gợi phong cách Tây phương thì bức tường ngay sau nó có những hoa văn chạm khắc thô mộc, gợi nhớ họa tiết thổ cẩm truyền thống.

 

Vẻ đẹp sang trọng hòa quyện trong nét mộc mạc tĩnh lặng

Chính lối kiến trúc mang màu sắc Tây phương đã tạo cho công trình một vẻ đẹp sang trọng, nhẹ nhàng. Ngôi nhà tựa như cô gái kiều diễm, thanh lịch với những đường nét mềm mại của vòm cửa, nội thất cùng nét thơ của dàn hoa trước nhà.

Nét mộc mạc hiện hữu trong bề mặt chất liệu nguyên bản, thô môc. Các đường vân gỗ gợi chiều sâu thời gian và sự trầm ấm cho ngôi nhà. Giải pháp chiếu sáng cục bộ với ánh đèn vàng giúp không gian thêm phần ấm cúng.

Màu sắc nhã nhặn, tự nhiên kết hợp với cây cối và không gian tĩnh lặng xung quanh tạo nên nét thiền phảng phất. Buổi chiều cuối tuần các thành viên có thể cùng nhau uống trà, tâm sự, thả lỏng và cảm nhận trọn vẹn vẻ bình yên của mảnh đất này.

“Nhà Chị Thương” thực sự là ngôi nhà của bình yên – nơi gia chủ có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự và tĩnh tâm cảm nhận cuộc sống. Khi các khoảng chức năng được “phục vụ” hoạt động và thổi hồn bởi hơi thở con người, Myan Architects tin rằng công trình sẽ có được sự sống thực sự.